Nọc của loài rắn lục rất độc là điều ai cũng biết và ... sợ. Nếu bị rắn lục cắn mà không được chữa trị ngay thì chân hoặc tay chỗ bị cắn sẽ bị thối rữa và thậm chí nạn nhân sẽ bị chết ít lâu sau đó. Mặc dầu các khoa học gia đã biết cấu trúc các protein trong nọc độc của rắn lục nhưng vẫn không thể hiểu được tại sao một số vết cắn có thể làm các mô tế bào bị huỷ hoại nặng, lan ra xung quanh một cách rộng rãi trong khi lại có những vết cắn y hệt như vậy nhưng chỉ có những mô ở chỗ mà rắn cắn bị huỷ hoại chứ không lan rộng. Đây quả là điều hết sức ngạc nhiên đối với các chuyên gia nọc rắn.
Giáo sư Hoá học Klaus R. Liedl và các cộng sự viên thuộc đại học Innsbruck (Áo quốc) lần đầu tiên vừa tìm được lời giải thích cho hiện tượng kỳ quái này, nhờ mô phỏng các chất protein kết tinh của nọc độc rắn bằng máy vi tính: "Hiệu ứng khác nhau (nọc độc lan rộng hay chỉ tập trung ở chỗ vết cắn) không phải là do sự khác biệt trong cấu trúc của nọc rắn mà là do sự khác biệt về tính cách di động của những diếu tố (enzymes) trong nọc độc rắn. Tính cách di động của các diếu tố giải thích tại sao khi thì vết cắn có sức tàn phá mãnh liệt, và khi thì chỉ huỷ hoại mô ở chỗ vết cắn". Câu giải thích này sẽ là nền tảng cho những cuộc nghiên cứu để tìm ra chất ức chế độc tính của các proteins (độc địa) trong nọc rắn, do nhiều nhóm chuyên gia quốc tế cùng thực hiện, ví dụ như nhóm ở Costa Rica (Trung Mỹ) phụ trách nhiệm vụ chiết nọc độc rắn để xác định độc tính, rồi đưa cho nhóm ở Freiburg (Đức quốc) đảm nhiệm "công tác" làm sạch các proteins rồi tinh kết lại đồng thời xác định thành phần cấu trúc, trước khi giao cho nhóm ở Innsbruck để mô phỏng trên máy tính xác định tính cách di động của các proteins trong nọc rắn.